Nhận thức rõ đặc điểm và xu hướng phát triển của thời đại cũng như cục diện và tình hình thế giới là công việc rất cần thiết. Mỗi quốc gia, dân tộc cần biết mình đang sống trong thời đại gì và bối cảnh thế giới nào, với những tính chất, đặc điểm, nội dung và xu thế phát triển ra sao.
Hiểu biết sâu sắc về thời đại giúp chúng ta tìm thấy xu hướng tất yếu
trong vô vàn những hiện tượng phức tạp, mang tính ngẫu nhiên của đời sống xã hội.
Đó cũng là cách giúp chúng ta nhìn xa trông rộng, nắm bắt khuynh hướng và quy
luật phát triển của nhân loại để vừa có thể lựa chọn được hướng đi phù hợp với
sự phát triển của lịch sử; lường trước được những thách đố phức tạp, tránh được
những vấp váp sai lệch; từ đó không bị chao đảo hoặc bị cuốn trôi trước phong
ba bão táp của đời sống chính trị quốc tế.
Chính vì lẽ đó, khi bàn về những vấn đề
lớn của cách mạng, trước đây cũng như bây giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta
bao giờ cũng bắt đầu bằng việc phân tích đặc điểm, nội dung, xu thế phát triển
của thời đại; nhận định các mặt của tình hình thế giới để xác định đúng con đường
đi của cách mạng Việt Nam và đề ra đường lối đối nội, đối ngoại đúng đắn, sáng
tạo. Cả trên phương diện lý luận và thực tiễn là như vậy nhưng hiện nay trước Đại
hội XIII của Đảng, một số luận điệu sai trái cho rằng: Thật không tưởng khi nói
thời đại ngày nay là quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Vì vậy, các phần tử phản
động, cơ hội chính trị cho rằng: Từ Đại hội XIII trở đi, không nên nói đến CNXH
nữa. Họ cho rằng làm gì có thời đại quá độ; nội hàm, đặc điểm, xu thế của thời
đại là sự mơ hồ; hai nội dung cốt yếu của thời đại đã bị lịch sử phủ định. Bởi
thế, khi không còn Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) nữa thì nước ta làm
sao có thể đi lên CNXH được? Luận điệu của họ không có gì mới nhưng cách diễn đạt
khác đi. Những luận cứ đấu tranh chống các luận điệu này cần được làm rõ.
Sự thay thế một thời đại này bằng thời
đại khác không thể diễn ra nhanh chóng được.
Lập luận của luận điệu sai trái là, nếu nói thời đại hiện nay là thời đại
quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên CNXH, thì nay CNXH sụp đổ rồi, thời đại
này đương nhiên là của CNTB; rằng CNXH và chủ nghĩa cộng sản đã tàn lụi thì dù
có trăm năm sau cũng không thể gượng dậy được nữa.
Cách nhìn nhận của họ rõ ràng là thiếu kiến thức lịch sử và rất thiển cận.
Quá trình chuyển biến và thay thế một thời đại này bằng thời đại khác không thể
diễn ra nhanh chóng được, mà phải qua một chặng đường dài. Quá trình đó là một
xu thế tất yếu của xã hội loài người, nhưng diễn ra quanh co, phức tạp chứa đựng
nhiều biến cố, có cả bước tiến mạnh mẽ và cũng có cả những bước tụt lùi. Sự đổ
vỡ của mô hình XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đương nhiên là tổn thất nặng nề đối với
phong trào cộng sản trên thế giới. Ai cũng biết rằng, sự sụp đổ ấy có nhiều
nguyên nhân, nhưng nó không thuộc về bản chất của chế độ XHCN, càng không phải
vì thế mà làm mất đi nội dung thời đại. Lịch sử đã cho thấy thời đại tư bản chủ
nghĩa (TBCN) thay thế thời đại phong kiến đâu phải dễ dàng.
Thế giới thay đổi khôn lường, nội dung thời đại không thay đổi
Kẻ thù tư tưởng của chúng ta công khai tuyên bố rằng, CNXH ở Liên Xô đã sụp
đổ thì giá trị của Cách mạng Tháng Mười cũng chấm hết.
Đây đúng là kết luận vội vã và hồ đồ. Đành rằng, thành quả mà Cách mạng
Tháng Mười đem lại đã bị đổ vỡ tại ngay quê hương của nó, nhưng đó quyết không
phải là sự chấm dứt lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười. Lịch sử đã tỏ
rõ, không có một cuộc cách mạng nào, kể cả các cuộc cách mạng vĩ đại nhất, lại
đủ khả năng kết thúc ngay công việc xóa bỏ xã hội cũ và xây dựng xong ngay xã hội
mới. Quá trình chuyển từ xã hội phong kiến lên xã hội TBCN đã phải trải qua
hàng trăm năm với nhiều cuộc cách mạng tư sản nổ ra ở Hà Lan, Anh, Pháp... thì
hình thái kinh tế-xã hội TBCN mới thực sự thắng thế trước hình thái kinh tế-xã
hội phong kiến.
Sự phát triển của xã hội loài người từ sau Cách mạng Tháng Mười đã chứng
tỏ rằng, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười không chỉ là ngọn đèn pha tỏa sáng dẫn
đường, mà còn có những đóng góp thực tế to lớn. Cách mạng Tháng Mười là tiếng
chuông đánh thức lịch sử, báo hiệu một trang sử mới của thế giới. Thế giới trước
Cách mạng Tháng Mười là một thời kỳ u mê, an phận, là thời đại của CNTB. Sự đột
phá của Cách mạng Tháng Mười làm cho CNTB bị đổ vỡ một mảnh lớn. Thế giới bừng
tỉnh, bung ra với sức mạnh mới với sự hình thành và phát triển của CNXH làm sụp
đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Từ những phân tích trên đây, chúng ta càng thống nhất với nhận định rằng,
mặc dù tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có nhiều
thay đổi, có khi là thay đổi khôn lường, nhưng bản chất của thời đại không thay
đổi. Tình hình cụ thể trong từng thời kỳ của thế giới có những biến động, nhưng
điều đó không làm thay đổi nội dung của thời đại; loài người vẫn đang trong thời
đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn tồn tại, có
mặt sâu sắc hơn, nội dung và hình thức biểu hiện có nhiều nét mới. Đấu tranh
dân tộc và đấu tranh giai cấp vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét