Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

VỊ THẾ CỦA VIỆT NAM NGÀY CÀNG ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH THÔNG QUA HỘI NGHỊ CẤP CAO ĐẶC BIỆT ASEAN-HOA KỲ NHÂN KỶ NIỆM 45 NĂM THIẾT LẬP QUAN HỆ HAI BÊN


Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới thủ đô Washington (Hoa Kỳ) bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hai bên thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11 đến 17/5.

Chiều ngày 11-5 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Washington của Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ.

Chuyến đi cũng là dịp chúng ta triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước vươn lên phát triển ở một tầm mới mà chúng ta hay gọi là khát vọng phát triển tới năm 2030, 2045. Việt Nam đã có được vị thế mới khi phát triển ổn định thời gian qua, xử lý phù hợp dịch bệnh, hội nhập một cách sâu rộng và được các nước trên thế giới đánh giá cao. Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của ASEAN, tham gia vào tiến trình của các hội nghị quốc tế. Những điều đó tạo nên vị thế của Việt Nam. Bước sang giai đoạn mới, chúng ta phải phát huy những điều đó.

"Việt Nam tham dự những hoạt động lớn lần này ở một tư thế mới. Đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và đang mở lại các hoạt động về kinh tế, sản xuất và giao lưu quốc tế một cách tự tin. Đây cũng là dịp để chúng ta đóng góp với thế giới, chia sẻ những kinh nghiệm mới", ông Phạm Quang Vinh (Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ) cho hay.

Theo ông Vinh, để đạt được khát vọng 2030, 2045, cùng với tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế, một trong những trọng tâm của Việt Nam là tranh thủ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Mục tiêu trước mắt là làm sao nối lại được chuỗi cung ứng và có thể phục hồi nhanh ngay sau đại dịch, còn mục tiêu lâu dài hơn là đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hoá, có thu nhập trung bình cao, đời sống người dân được nâng lên, tăng năng suất lao động...

"Chúng ta phải tranh thủ luồng đầu tư chất lượng cao, tham gia vào các chuỗi cung ứng hiệu quả, đặc biệt là tranh thủ về mặt công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, phục vụ tốt nhất cả mục tiêu phát triển lẫn mục tiêu bảo vệ môi trường", ông Vinh nhận định.

Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống đa phương, đồng thời là sự tiếp nối các hoạt động ngoại giao cấp cao của lãnh đạo nước ta tại Liên Hợp Quốc sau khi Việt Nam hoàn thành vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021.

Chuyến thăm một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đối với vai trò của ngoại giao đa phương, hệ thống đa phương, đặc biệt là LHQ, nhất là trong bối cảnh tổ chức này đang đứng trước thách thức phức tạp chưa từng có; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời còn là sự tiếp nối các hoạt động ngoại giao cấp cao của lãnh đạo nước ta tại LHQ sau khi Việt Nam hoàn thành vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021.

                                                                                             TT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét