Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

“NGHIỆN” FACEBOOK DƯỚI GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC


Người ta càng sử dụng Facebook nhiều thì càng “ít mãn với cuộc sống”. Và ngược lại: “Càng hội nhập vào thế giới thực, bạn càng thấy sống lạc quan hơn”. Vậy từ góc nhìn tâm lý, vì sao con người ta ngày nay đám đông phụ thuộc vào mạng xã hội? Những kiến thức tâm lý cần biết để mỗi người có kỹ năng cơ bản trong cách sử dụng một thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không hề đơn giản là gì?

VÌ SAO NGƯỜI TA NGHIỆN FACEBOOK ?

Về mặt tâm lý, có 2 lý giải tâm lý quan trọng. Một là nhu cầu được cảm thấy mình quan trọng. Bộ não sẽ thích những gì nó được ghi nhận. Vì sao người ta nghiện mạng xã hội? Đầu tiên, Facebook luôn luôn hỏi bạn bất kì lúc nào bạn xuất hiện rằng “Bạn đang nghĩ gì?”, khi được chia sẻ cảm xúc, những gì mình làm, những gì … liên quan đến chính bản thân từng người, thì họ thỏa mãn nhu cầu được ghi nhận. Và thứ hai, đằng sau mỗi cái avatar, sau những dòng tâm sự, đó là những cái like, những comment.. đó là sự ghi nhận.

Người ta nghiện Facebook là bởi vì ở đó chỉ có like chứ không có dislike. Facebook đã từng có nhiều cuộc họp quan trọng để đưa ra được quyết định rằng họ sẽ nhất quyết không có nút dislike cho người dùng, mà chỉ có like hoặc sau khi like mà không thích thì unlike. Đó là cả một nghệ thuật tâm lý của người làm nên mạng xã hội số 1 thế giới hiện nay.

Lý giải tiếp theo là về tâm lý học hành vi. Con người ta làm một điều gì đó khi nó là thói quen. Có nhiều con số khác nhau, chẳng hạn sau 28 ngày hoặc sau 66 ngày thì một thói quen chính thức hình thành. Người ta vào Facebook mỗi ngày, có những ngày vào nhiều lần, từ việc vào để thỏa mãn cảm xúc cá nhân, người ta bỗng nhiên một ngày nào đó trở thành thói quen, đâm ra “nghiện” và đôi khi vô tình bị lệ thuộc vào nó.

Việc quan trọng là phải thấu hiểu tâm lý con người. Chúng ta nhiều khi làm một điều gì đó là do thói quen, là do vô thức. Vì thế, phải tự huấn luyện mình làm một điều gì đó theo ý thức. Có những người bị nghiện Facebook, bây giờ không có cách nào bỏ được. Điều đó đúng, nếu nhìn theo góc độ tâm lý hành vi. Nhưng nó chưa đúng, là bởi vì người đó chưa biết sử dụng đúng phương pháp để giảm thời gian dùng Facebook. Dưới đây là một số ứng dụng tâm lý.

Hành vi con người muốn thực hiện thì phải có yếu tố kích hoạt. Mà kích hoạt việc sử dụng Facebook là gì? Là phải đăng nhập vào tài khoản. Nếu bạn muốn giảm thời gian dùng Facebook, thì phải điều chỉnh ở chỗ làm sao cho việc vào Facebook gặp khó khăn. Cụ thể, bạn bỏ chế độ tự động đăng nhập, và sau đó thay đổi mật khẩu. Hãy hình dung bạn ngồi viết ra một mật khẩu mới dài tới 32 ký tự. Và bạn không thể nhớ nổi nó, thành ra mỗi lần vào Facebook, bạn đều phải nhìn lại mã mật khẩu. Mà cái gì khó thì não bộ ngại. Do vậy, mỗi ngày để vào được Facebook thì bạn cũng phải mất đến 5 phút ngồi nhìn và nhập mật khẩu. Nhưng, điều thú vị là ở đây: khi áp dụng như vậy, lúc này bạn chỉ vào Facebook khi có chuyện thực sự cần thiết.

Điều tiếp theo, tự đặt ra những nguyên tắc cho não bộ. Ví dụ, bạn đề ra nguyên tắc là chỉ vào Facebook sau 12h trưa. Điều đó đồng nghĩa là bạn có nguyên buổi sáng tuyệt vời để làm rất nhiều việc quan trọng, mà thực ra bạn đang giảm được rất nhiều thời gian chết buổi sáng nếu vào Facebook. Để làm được điều này, giả sử buổi sáng bạn đang theo thói quen, rất muốn vào Facebook, hãy kiềm chế, và tự nói thầm “Cố lên, 12h trưa mình sẽ được vào”. Về tâm lý, hiệu ứng này gọi là “trì hoãn sự sung sướng” – và bộ não sẽ làm được, vì sau khi cố gắng trì hoãn, nó sẽ được phần thưởng.

VẪN CÒN MỘT NƠI ĐÁNG SỐNG HƠN KHÔNG CHỈ LÀ FACEBOOK

Thời đại này, chúng ta sống cùng Facebook, chúng ta không phủ nhận những giá trị mà Facebook mang lại. Nhưng ở đâu đó trong cuộc sống này, nơi mà thế giới thực thuộc về, vẫn còn nhiều điều giá trị và đáng để sống hơn chứ không chỉ là Facebook.

Về mặt tâm lý, khoa học chỉ ra rằng, nếu như hàng ngày chúng ta được tương tác, được giao tiếp, được chuyện trò với người khác, thì cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn. Và yếu tố cốt lõi tạo nên hạnh phúc của một người, đó chính là chất lượng các mối quan hệ mà họ có. Có những thứ, có những trải nghiệm, có những cảm xúc mà chỉ trong thế giới thật, bạn mới có thể nhận được.

Dĩ nhiên, chúng ta không phải quá cực đoan về chuyện tắt tivi, tắt máy tính, ngưng kết nối. Thế nhưng, thông điệp mà anh ta gửi đến xứng đáng là một thông điệp tuyệt vời. Hãy để Facebook giúp chúng ta, làm cho chúng ta trở nên tốt hơn, làm cho chúng ta kết nối và tạo ra giá trị nhiều hơn, chứ đừng là thứ để chúng ta bị phụ thuộc vào. Vẫn sẽ có những lúc, vẫn sẽ có những khoảnh khắc, mà bạn cần tạm ngưng kết nối trên thế giới ảo, để sống trọn vẹn trong cuộc sống thật của chính mình.

QT21

0 nhận xét:

Đăng nhận xét