Ở nước ta hiện
nay, bên cạnh lối sống vì con người, vì cộng đồng xã hội được ví như những đóa
hoa tỏa ngát hương thơm làm đẹp cho đời thì vẫn còn một bộ phận người có lối sống
tiêu cực, gây hại cho cách mạng và xã hội, đó là lối sống thực dụng. Điều này
đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cảnh báo có một bộ phận cán bộ, đảng
viên mang biểu hiện: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi;
chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể”.
Có thể nói, lối
sống thực dụng, vun vén cho cá nhân bằng mọi giá là một loại “vi trùng độc hại”
phá hủy nhân cách từ bên trong. Nó gây ảnh hưởng đến nhân cách, lối sống của mỗi
con người. Nó là nguyên nhân dẫn đến tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ,
đảng viên. Do vậy, để xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn
thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đặt ra thì yêu cầu đặt ra đầu tiên là phải đẩy lùi
lối sống thực dụng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Cán bộ, đảng
viên có lối sống thực dụng thường có tham vọng rất lớn, hám công danh, địa vị;
họ tìm mọi cách để đạt được mục tiêu chính trị, leo lên các vị trí chức vụ cao,
sẵn sàng “chạy” dưới mọi hình thức để dễ bề kiếm chác. Trong công việc, ngoài mặt
thì họ tỏ ra tích cực, trách nhiệm, nhưng đằng sau đó, họ lại làm cho xong việc,
làm cho có, cốt “đánh trống ghi tên”; khi gặp khó khăn, người có lối sống thực
dụng thường dễ thoái chí, bàn lui, không dám làm, tìm cách đùn đẩy, co cụm sống
trong “khoảng an toàn”; khi có thành tích thì tranh công, khi có khuyết điểm
thì tìm cách đổ lỗi, không dám nhận trách nhiệm về mình. Thậm chí, người có chức
vụ, quyền hạn đã dung dưỡng, bao che cho sai trái, tiêu cực, từ đó tạo ra những
nhóm lợi ích để trục lợi. Trong ứng xử, người có lối sống thực dụng chỉ chú tâm
vào mối quan hệ đem lại giá trị cho họ, các mối quan hệ có giá trị lợi dụng
càng lớn thì càng tỏ vẻ chặt chẽ, thân thiết, nhưng khi mối quan hệ đó không
còn mang lại lợi ích cho họ thì nhanh chóng nhạt phai.
Lối sống thực
dụng bắt đầu hình thành từ trong tư tưởng, nhận thức, đến một giai đoạn nhất định,
nó sẽ được thể hiện thông qua hành động của chủ thể. Từ chỗ cán bộ, đảng viên sẵn
sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Đảng, của dân tộc, khi bị tác động
bởi lối sống thực dụng nếu không có sự trui rèn đạo đức, lối sống, con người bắt
đầu xuất hiện những tư tưởng đắn đo giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa cống
hiến và hưởng thụ, từng bước tạo ra sự chuyển hóa từ bên trong, khiến cho người
mang lối sống này không còn là chính họ của ngày hôm qua, vi phạm đạo đức, lối
sống, tác phong...
Do đó, để chấm
dứt tình trạng này, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp
nói phải đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức. Đây là hành động cơ bản thể hiện
phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Thực tế trong Đảng ta hiện
nay, có không ít cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, nói và làm có những
khoảng cách, thậm chí trái ngược nhau. Không ít quan chức tự cho mình cái quyền
được nói “làm những điều tôi nói, không được nói điều tôi làm”, thậm chí có người
rất hay "lên mặt" rao giảng, dạy dỗ người khác bằng những từ đại
ngôn, hoa mỹ, nhưng hành động, việc làm lại trái những nguyên tắc của Đảng, thậm
chí còn làm ô danh Đảng. Người cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản
lý, chỉ huy muốn thu phục quần chúng, muốn quần chúng tin theo phải thực sự mẫu
mực về phương pháp, tác phong làm việc, lời nói gắn liền với việc làm, hành động
cụ thể, mang lại ích nước, lợi dân.
M. Đ 11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét