Ngay khi
Chính phủ quyết định tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch
Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam, trên mạng
xã hội lập tức xuất hiện những bài viết xuyên tạc, trắng trợn vu cáo Đảng, Nhà
nước sử dụng quân đội để trấn áp nhân dân miền Nam. Thâm độc hơn, một số tổ chức
phản động đã cắt ghép nhiều hình ảnh hoạt động của bộ đội và lu loa rằng “Hà Nội
huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói khổ làm loạn...”.
Thực tế cho
thấy, hiện nay các thế lực thù địch, phản động ngày càng quyết liệt hơn với các
âm mưu thâm độc và tinh vi hơn trong phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi
chúng nhận thấy rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, muốn phá hoại
cách mạng Việt Nam thì phải làm tan rã sức mạnh to lớn đó. Theo đó, âm mưu, thủ
đoạn gây chia rẽ hiện nay của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu là tuyên
truyền, xuyên tạc, bôi đen thành tựu thực hiện đường lối, chính sách về đại
đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta. Chúng “té nước theo mưa”, thổi phồng hạn chế,
khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của các cấp chính quyền để gây hoài nghi,
phân tán nhân tâm, mất lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng đất nước.
Chúng triệt để
lợi dụng những vấn đề xã hội bức xúc, những khó khăn trong đời sống nhân dân để
kích động chống đối, hình thành những điểm nóng gây chia rẽ từ bên trong. Chúng
lợi dụng hội nhập quốc tế để xâm lăng và làm “biến dạng” các giá trị văn hóa
truyền thống; tạo dựng “ngọn cờ”, lợi dụng các vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn
giáo, nhân quyền, các vấn đề lịch sử... để kích động, chia rẽ đoàn kết giữa các
tầng lớp nhân dân; giữa các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước
ngoài; thúc đẩy hình thành các “khu tự trị”, “nhà nước tự trị”...
Đáng chú ý,
chúng tập trung vào phá hoại mối đoàn kết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước;
nhân dân với các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang; mối quan hệ giữa quân đội
và công an... Cùng với chống phá trên các địa bàn chiến lược như Tây Nguyên,
Tây Bắc, Tây Nam Bộ hiện nay, chúng đẩy mạnh chống phá gây chia rẽ, mất đoàn kết
ở các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương. Internet, mạng
xã hội đã và đang được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng với những
thủ đoạn mới rất tinh vi, xảo quyệt để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhìn lại 35
năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được
cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu to lớn,
có ý nghĩa lịch sử đất nước đã đạt được là nền tảng vững chắc củng cố niềm tin,
đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, những
thách thức đặt ra hiện nay cũng rất lớn, Đảng ta chỉ rõ: “Sức mạnh đại đoàn kết
toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát
huy đầy đủ”.
Bên cạnh đó,
là những vấn đề nảy sinh tất yếu trong quá trình phát triển cần phải tiếp tục
nhận thức và giải quyết, như: Phân hóa giàu-nghèo; chênh lệch phát triển kinh tế,
văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế giữa các vùng miền; sự xuống cấp về một số mặt
của văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội; thụ hưởng của người dân từ
thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa và những vấn đề lịch sử để lại...
Đại hội XIII đánh giá, trong Đảng và hệ thống chính trị, tình trạng suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”; bệnh
lãng phí, vô cảm, quan liêu, mất dân chủ... gây bức xúc xã hội và làm suy giảm
vai trò hạt nhân đoàn kết của Đảng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Âm mưu
chia rẽ từ bên ngoài và những thách thức bên trong có quan hệ chặt chẽ, làm suy
giảm sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc của cách mạng nước ta.
Đối với dân tộc
Việt Nam, đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu và giá trị văn hóa cốt
lõi; là sức mạnh vô địch trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, chiến
thắng thiên tai, địch họa, định bờ cõi, xưng nền văn hiến, nêu cao độc lập, tự
chủ. Đây là sức mạnh nội sinh có tính chủ đạo xuyên suốt, bền vững của dân tộc
trong suốt chiều dài lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý: “Đoàn
kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là
chân lý về sức mạnh vô địch của đoàn kết và phát triển truyền thống đoàn kết của
dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát: “... phấn đấu đến giữa thế kỷ
21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khát
vọng phát triển của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chỉ có thể được hiện thực
hóa bằng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì
vậy, Đảng ta xác định: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng
viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài
hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính
đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần
của nhân dân”. Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ “giữa tăng trưởng
kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi
trường”. Đây là cơ sở để nhận thức và giải quyết tốt vấn đề có tính nguyên tắc
của phát triển và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.
Đảng ta là
linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để phòng chống sự chia rẽ, bảo vệ
và phát huy sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết, phải phát huy sức mạnh của
các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh”.
D.M.11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét