Đạo đức là tổng
hợp các nguyên tắc, chuẩn mực giúp con người điều chỉnh hành vi, đáp ứng yêu cầu
của cuộc sống. Giá trị văn hóa đạo đức là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc;
đã soi sáng con đường giải phóng và phát triển đất nước, là một trong những nền
tảng vững chắc để Đảng Cộng sản Việt Nam vạch ra đường lối và thực hiện có hiệu
quả nhiệm vụ ở từng thời kỳ cách mạng. Văn hóa đạo đức trước hết là một bộ phận,
thành tố của văn hóa tinh thần xã hội. Giá trị văn hóa đạo đức là những giá trị,
chuẩn mực đạo đức in đậm trong nhận thức, hành động của cộng đồng, được xã hội
thừa nhận và được thể hiện thông qua hành vi của con người.
Xét trên cả
góc độ hệ thống giá trị, truyền thống và lịch sử dân tộc thì văn hóa đạo đức là
một hệ thống trọn vẹn các giá trị được hình thành và phát triển trong suốt quá
trình dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Đó là lý tưởng, chính sách, lối sống
nhân đạo; hoà bình, hòa hợp, dân chủ; lòng nhân ái, vị tha, tính lương thiện;
là lương tri, đạo lý; là tuyên ngôn, tiếng nói, chữ viết... Những giá trị đó được
hình thành và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước và không dễ
bị “hòa tan” trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.
Trong tình hình
mới, để phát huy giá trị văn hóa đạo đức của con người Việt Nam trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, chúng ta cần
chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả một số nội dung sau:
Một là, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu
nước của nhân dân.
Giống như mọi quốc gia - dân tộc, yêu nước là lý
tưởng thiêng liêng, lẽ sống cao đẹp, là tình cảm chủ đạo và định hướng giá trị
cho hành động và cách ứng xử của con người Việt Nam. Đây là giá trị tiêu biểu
hàng đầu trong văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam. Từ tình cảm yêu mến, gắn
bó tha thiết với quê hương xứ sở; từ lòng tự hào, tự tôn dân tộc... tình yêu nước
một cách tự nhiên của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dần phát triển thành chủ nghĩa
yêu nước, trở thành động lực tinh thần to lớn trong mọi giai đoạn dựng nước và
giữ nước. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một sự thống nhất chặt chẽ ý thức bảo
vệ chủ quyền non sông đất nước, tinh thần độc lập dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực,
tự cường, quyết tâm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, không chịu khuất phục trước
mọi thế lực xâm lược.
Hai là, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết
dân tộc và đoàn kết quốc tế cao cả. Đoàn kết dân tộc - gắn bó cộng đồng là bản
chất, truyền thống của dân tộc Việt Nam, được biểu hiện trong suốt chiều dài lịch
sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Đoàn kết dân tộc không chỉ là sự cố kết
giữa các tộc người, tôn giáo, giai cấp trên mọi vùng, miền Tổ quốc, mà còn là sự
gắn kết, sẻ chia, tương trợ lẫn nhau giữa người dân ở trong nước và người Việt
Nam định cư ở nước ngoài trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung. Hồ Chí Minh
đã từng chỉ rõ: “Vì đồng bào ta đại đoàn kết.
Ba là, khơi dậy giá trị cần cù, dũng cảm,
kiên cường, mưu trí, sáng tạo của nhân dân và khát vọng phát triển đất nước. Những
giá trị cần cù, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo luôn tiềm ẩn trong hầu
hết mỗi con dân đất Việt. Tùy vào những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mà những
“chất vàng mười” đó được “phát lộ” đến “mức độ” nào. Chính vì thế, trách nhiệm
của Đảng và Nhà nước là phải luôn tạo ra được những “chất xúc tác” quan trọng để
không ngừng khơi dậy, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ những giá trị đã làm nên một dân
tộc anh hùng. Trong giai đoạn cách mạng mới, giá trị đó cần phải được phát huy
một cách tự giác, chủ động trong ý thức của mỗi cá nhân, cộng đồng, tập thể,
đơn vị; hài hòa giữa cái riêng và cái chung, giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa
quyền lợi cá nhân, gia đình và trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân; biết đặt
lợi ích của tập thể lên trên, lên trước; biết sống “mình vì mọi người”...
Tuy nhiên, để
đạt được mục tiêu trên, còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có những vấn đề
liên quan đến con người, nhất là trong bối cảnh, tình hình thế giới diễn biến rất
nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; trong nước, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra
còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, “nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn
nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của
đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”. Theo đó, cùng với
nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi đã được xác lập, Đảng phải kiên quyết, linh hoạt
hơn nữa trong tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhằm khơi dậy truyền
thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, niềm tin, tài năng, trí tuệ,
phẩm chất của con người Việt Nam; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người
Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét