Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

KIÊN QUYẾT BẢO VỆ “HÒN ĐÁ TẢNG” CỦA HỌC THUYẾT MÁC-XÍT VỀ HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI Đ.H.K11

             Bản chất khoa học, cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Chủ nghĩa Mác-Lênin thể hiện ở tính tất yếu khách quan của sự ra đời học thuyết, ở việc khẳng định sản xuất vật chất là cơ sở quyết định sự tồn tại và phát triển lịch sử xã hội loài người, ở quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, ở mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, ở việc khẳng định sự phát triển của các hình thái kinh tế-xã hội là quá trình lịch sử-tự nhiên.

Trước sự biến động dữ dội của tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là những khó khăn, thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế kể từ sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các quan điểm, luận thuyết xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin “nở rộ như nấm sau mưa”.

Vin vào cớ chủ nghĩa tư bản đương đại đang đổi mới, thích nghi và phát triển, họ cho rằng, Việt Nam lại “giậm chân tại chỗ”, vì cứ “bám lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin”, mục tiêu, con đường chủ nghĩa xã hội đã lựa chọn nên bị tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Mượn cái cớ đó, một số kẻ cơ hội chính trị, bất mãn quan điểm với Đảng, Nhà nước cho rằng, cả đời đã ngưỡng mộ, tin theo học thuyết Mác-Lênin là sai lầm, họ tiếc nuối vì đi theo “con đường chủ nghĩa xã hội không tưởng” của C.Mác nên giờ nhận thức lại, họ thấy cần phải “tẩy sạch, gột rửa nền tảng tư tưởng của Đảng cho sạch đầu” là Chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là lý luận về hình thái kinh tế-xã hội của Mác để “thanh thản đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, mong sớm phát tài, giàu sang, noi gương các nước Đông Âu.

Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác đã vạch ngọn nguồn “bí mật” của chế độ áp bức, bóc lột; chỉ ra con đường, biện pháp “kết liễu”, đập tan sự dối trá của họ; hướng tới xóa bỏ mọi sự áp bức, bóc lột, bất công; dẫn dắt, chỉ đường cho giai cấp vô sản đấu tranh tự giải phóng mình, xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp-xã hội xã hội chủ nghĩa.

Những người có quan điểm đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin đã nhận thức rằng, chừng nào còn tồn tại học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác thì chừng ấy còn có sự thống trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin, còn có đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, cũng như cuộc đấu tranh không khoan nhượng của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản.

Do đó, họ cảm nhận các nguy cơ đe dọa sự tồn tại của họ là sự thật. Điều tất yếu sẽ đến là sự diệt vong khó tránh khỏi. Rõ ràng, sự tồn tại và ảnh hưởng mạnh mẽ từ học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là “lưỡi dao đâm thẳng vào tim họ” và họ không mong muốn kết cục bi thảm, đau thương ấy.

Vì lẽ đó, họ không thể ngồi nhìn sự “chết dần chết mòn” của đồng đảng, của chính mình và không thể “chịu đựng nổi” uy tín và vai trò ngày càng tăng lên của đảng cộng sản, ưu thế và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội. Để tự cứu lấy mình, buộc họ phải dùng thuyết âm mưu để chống phá học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác-một nội dung trọng yếu trong nền tảng tư tưởng của đảng cộng sản-Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Trong Chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận về hình thái kinh tế-xã hội là một nội dung then chốt, nền tảng, nhờ nó mà quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử không còn là một giả thuyết, mà được chứng minh bằng khoa học; trở thành kim chỉ nam chỉ đạo nhận thức và hành động của các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Mác và Ăng-ghen đã xác nhận rằng, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội chính là kết quả lớn nhất mà hai ông đã đạt được, nó trở thành kim chỉ nam cho mọi sự nghiên cứu sau này.

Phải chăng vì lẽ đó, những người theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện đại dưới mọi màu sắc luôn tập trung công kích, bài xích, phủ nhận lý luận mác-xít về hình thái kinh tế-xã hội với hy vọng từ đó phủ nhận toàn bộ Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Họ lớn tiếng phê phán “sai lầm chủ yếu trong học thuyết về lịch sử của Mác là học thuyết về hình thái kinh tế-xã hội”. Từ đó, họ ra sức lý tưởng hóa mô hình xã hội tư bản hiện đại, tán dương các học thuyết xã hội phi mác-xít, chứng minh “tính hợp lý” của học thuyết của Avin Tốp-lơ với ý đồ dùng nó để thay thế học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác; phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Chúng ta không phủ nhận những yếu tố hợp lý trong các học thuyết xã hội ngoài mác-xít, đáng kể là thành tựu cũng như vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại, về sự phát triển của lực lượng sản xuất, về đẩy mạnh giáo dục và đào tạo với sự tiếp thu “hạt nhân hợp lý” của nó để nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài...

Song cần thấy rõ hơn những khiếm khuyết, hạn chế của các học thuyết đó, nhất là việc né tránh giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất và các quan hệ xã hội khác với vấn đề giải phóng con người, xóa bỏ áp bức, bóc lột và các vấn đề xã hội khác như chiến tranh và hòa bình...

Đây là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học để chúng ta tiếp tục vận dụng sáng tạo học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Chủ nghĩa Mác vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và chính nó là vũ khí lý luận sắc bén để chúng ta đứng vững trên mặt trận tư tưởng, lý luận; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, phản động, bảo vệ chân lý khoa học của Chủ nghĩa Mác- Lênin trước sự tấn công từ nhiều phía của kẻ thù; kiên quyết giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đạt được sau hơn 35 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét