Trong lịch sử phát triển
của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, dù là nước lớn hay bé, giàu hay nghèo,
phát triển hay đang phát triển, đều xây dựng cho mình những chủ thuyết, bao gồm
hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng mang tính lý thuyết nhằm định hướng
cho sự phát triển của quốc gia.
Ở nước ta, ngay từ khi
ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt
Nam, tiến hành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giành độc lập cho dân tộc,
xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thời gian qua, các thế
lực thù địch, cơ hội chính trị đưa ra nhiều quan điểm, luận điệu hòng bác bỏ,
phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Nhà nước và xã hội, họ rêu rao rằng,
ở Việt Nam không có “pháp trị”, chỉ có “đảng trị”. Đây là thủ đoạn nham hiểm của
các lực lượng chống đối Đảng Cộng sản lãnh đạo các nước XHCN ở Liên Xô và các
nước Đông Âu thập niên 80 của thế kỷ trước. Hiện nay, một số đối tượng vẫn cổ
xúy cho thủ đoạn trên mà nếu không đấu tranh thì có thể để lại những hậu quả
khôn lường đối với đất nước, đối với xã hội, đối với người dân khi vai trò lãnh
đạo của Đảng bị đặt ngoài Hiến pháp. Những người có lương tri trên thế giới
không thể không nhớ đến sự kiện Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã năm 1991, khi mà
những người dân chủ cấp tiến hả hê vì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã bị
đặt ngoài hiến pháp, khi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1977 (sửa đổi, bổ sung
năm 1988) bị phá bỏ. Trên đất nước đó, sau những biến cố thăng trầm, chính Tổng
thống Liên bang Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp các đảng phái chính trị của
Nga tại Điện Kremlin ngày 23-9-2016, cho rằng sự kiện Liên Xô sụp đổ không chỉ
là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20 mà rất có thể là cả trong lịch
sử chính trị thế giới, để lại những hậu quả có tính toàn cầu về tư tưởng, văn
hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh.
Đặc trưng cơ bản nhất của
nhà nước pháp quyền là quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng trong từng nước,
khi giải quyết các vấn đề tổ chức quyền lực của nhà nước thì xuất phát từ đặc
điểm thực tiễn riêng của mỗi nhà nước. Ở một số nhà nước trên thế giới, do xuất
phát từ thể chế chính trị, đặc điểm lịch sử hình thành, có nhà nước theo nguyên
tắc “tam quyền phân lập”, tức là phân lập các quyền lập pháp, hành pháp, tư
pháp với những hình thức và mức độ khác nhau. Về bản chất, dưới khoa học chính
trị học, đây thực chất là sự phân chia quyền lực giữa các đảng phái. Tuy vậy,
trên thực tế cũng chưa có một nước tư bản nào thực hiện đúng nguyên tắc tam quyền
phân lập, mà vẫn phải áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình của mỗi nước.
Điểm khác nhau cơ bản
trong tổ chức quyền lực của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với các nhà nước
tư sản, đó là: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không tổ chức theo nguyên tắc
tam quyền phân lập mà tổ chức quyền lực theo nguyên tắc “quyền lực nhà nước là
thống nhất”, không thể phân quyền theo lối phân chia, cắt khúc, đối chọi lẫn
nhau giữa các quyền, mà chỉ có sự phân công trên cơ sở thống nhất và tập trung
quyền lực cao nhất ở Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Mô hình nhà nước pháp
quyền XHCN Việt Nam được xây dựng phù hợp với các quan điểm của Đảng về việc vận
dụng một cách sáng tạo và có chọn lọc những kinh nghiệm khác nhau của các dân tộc
về cách thức tổ chức nhà nước pháp quyền, ưu tiên những giá trị có tính phổ biến,
kết hợp hài hòa với các giá trị truyền thống, những đặc điểm phát triển và lịch
sử phát triển đất nước. Do đó, mọi yêu cầu, đòi hỏi hay kiến nghị Việt Nam phải
thực hiện mô hình “tam quyền phân lập” là không phù hợp, thậm chí tiếp tay cho
các thế lực thù địch, phản động thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Quyền lực nhà nước là vấn
đề vô cùng quan trọng, nhưng cũng không kém phần phức tạp. Việc nắm giữ, tổ chức
và sử dụng quyền lực nhà nước có hiệu quả sẽ là điều kiện để thực hiện được những
mục đích đã đề ra, mang lại lợi ích cho nhân dân, đất nước. Tuy nhiên, trong
quá trình nắm giữ, tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước cũng tiềm ẩn nhiều
nguy cơ như tham nhũng, lãng phí, lạm quyền... Vì vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực
nhà nước là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong quản lý nhà nước trên thế
giới nói chung, ở nước ta nói riêng. Ở nước ta, thuật ngữ “kiểm soát” được ghi
trong văn kiện của Đảng và thể chế hóa quan điểm đó, tại Điều 2 Hiến pháp năm
2013 hiến định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp,
kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp,
hành pháp, tư pháp”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét