Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG “SỐNG CHUNG” VỚI ĐẠI DỊCH -T.P.11


Chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 địa phương sáng 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhấn mạnh: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên"

Đây không phải cách làm của riêng Việt Nam mà trên thế giới các nước đã và đang tiến hành việc “sống chung với dịch” nhằm mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế để có nguồn lực tốt nhất chăm lo sức khỏe cho người dân.

Sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch COVID-19, các nước đang dần dần mở cửa trở lại các hoạt động trong nước cũng như quốc tế, nhằm khôi phục một trạng thái “bình thường mới”.

Từ ngày 1/10, Thái Lan sẽ rút ngắn thời gian giới nghiêm ban đêm, giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với những người đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh xuống còn 7 ngày. Tại thủ đô Bangkok - tâm dịch của Thái Lan trong nhiều tháng qua, do số ca mắc mới trong 1 ngày đã giảm xuống còn 1.500 ca so với mốc hơn 4.000 ca trong 6 tuần trước đó, nên các cơ sở massage, sân vận động, rạp hát và sở thú cũng được phép mở lại song phải tuân thủ các quy định phòng dịch.

Chính phủ Australia ngày 1/10 cho biết, nước này đã sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo để mở cửa trở lại với thế giới một cách an toàn. Với tỷ lệ đã tiêm chủng liều đầu tiên đạt hơn 78% và tỷ lệ đã tiêm hai liều trên toàn quốc đạt 55% và đang trên đà đạt 70% ở một số khu vực trong tuần tới, chính phủ Australia đã và đang hoàn thiện các kế hoạch để các gia đình Australia có thể đoàn tụ, người lao động Australia có thể đi du lịch trong và ngoài đất nước, du khách có thể trở lại Australia.

Quan điểm “sống chung với dịch” đã và đang được người đứng đầu chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành các chính sách, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua.

Trong số 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, có 8 địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh; 12 địa phương đang đạt các tiêu chí kiểm soát dịch. Chính quyền các địa phương đã xây dựng các phương án, kịch bản, từng bước thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội như: loại bỏ giấy đi đường, tháo chốt kiểm soát, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa...

Dù đang nỗ lực kiểm soát dịch, nhưng sau ngày 15-9, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã từng bước nới lỏng giãn cách cho người đã tiêm vaccine tham gia các hoạt động phục hồi kinh tế trên tinh thần mở tới đâu an toàn tới đó.

Theo các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục đặt ra những thách thức y tế và kinh tế-xã hội chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi chúng ta cũng phải có tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ, để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển. Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, người dân, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào chiến lược “sống chung với dịch” với 2 mục tiêu then chốt là thích nghi an toàn với môi trường có dịch bệnh và phục hồi sản xuất, đảm bảo sinh kế của người dân.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được với lộ trình cụ thể, nếu cần điều chỉnh phù hợp với tình hình thì báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia và  nhấn mạnh "đã hy sinh về kinh tế - xã hội để thực hiện giãn cách xã hội thì đổi lại, phải kiểm soát được tình hình trong thời gian giãn cách, đạt kết quả chống dịch thành công".

Thực hiện lời nhấn mạnh của thủ tướng chính là phương châm cho chúng ta hành động trong thời gian tới: "Phải ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất, nhanh nhất, địa phương nào không đạt mục tiêu phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Ai vi phạm quy định, lơ là, chủ quan, làm không hết trách nhiệm thì phải xử lý, ai làm tích cực, có hiệu quả thì khen thưởng. Từng tỉnh, từng huyện, từng xã phải đẩy nhanh lộ trình đạt mục tiêu càng sớm càng tốt để trở lại trạng thái bình thường, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép".

                                                                                      TT

 

 

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét