Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

XỬ LÝ NGHIÊM TIN GIẢ, XẤU ĐỘC TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN MẠNG XÃ HỘI TB

Những thông tin thất thiệt, tin giả trong dịch bệnh có thể gây ra những tác hại ghê gớm khi mà tại nước ta hiện đã có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Với rất nhiều tính năng được tích hợp, mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực, có ích, trên mạng xã hội cũng có những người do thiếu hiểu biết, thông tin và nguy hại nhất là các đối tượng xấu, tổ chức lợi dụng không gian mạng để đưa lên, tung ra những thông tin thất thiệt, sai trái, thậm chí là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, gây ra những tác hại khôn lường, làm đảo lộn đời sống người dân, gây hoang mang, sợ hãi, lo lắng trong cộng đồng, xã hội ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến chống dịch vốn đang rất cần sự chung sức đồng lòng của mọi lực lượng, tất cả các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại nước ta, đã có rất nhiều tin giả về dịch bệnh được phát tán trên các mạng xã hội. Những ngày gần đây, khi đợt dịch thứ tư diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, lượng tin giả có dấu hiệu gia tăng trên mạng xã hội. Nội dung chủ yếu của các thông tin thất thiệt, bịa đặt này là đưa sai sự thật về tình hình dịch bệnh, nhất là các “điểm nóng” đang thực hiện giãn cách xã hội; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương… và nguy hại nhất, dụng ý đen tối nhất là các tin giả nhằm kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây. Điển hình như, ngày 6-8 vừa qua, VAFC đã phát hiện nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trung tâm khẳng định, nội dung thông tin này là giả mạo, xuyên tạc phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Ngày 9/8, trên một số diễn đàn, mạng xã hội lan truyền thông tin tại Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Hà Nội phát hiện các ca mắc Covid-19. Những ca này, trước đó đã tham gia tiêm chủng cho người dân dẫn đến nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng với khoảng 5.000 F1. Chiều 10/8, UBND quận Đống Đa khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật; đề nghị người dân nên cảnh giác, nắm bắt thông tin chính xác từ các cơ quan chức năng; phối hợp phản ánh cho cơ quan chức năng các thông tin sai sự thật.

Gần đây nhất, không ít tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán tin giả mạo có nội dung "Quận 12 thông báo tiêm vắc xin Trung Quốc, dân bỏ về hết". Chiều 13-8, VAFC đã khẳng định nội dung thông tin trên là tin giả, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

TB

0 nhận xét:

Đăng nhận xét