Bảo vệ chính trị nội bộ là một
nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ; đồng thời,
là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng,
đảm bảo để Đảng luôn trong sạch vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu của tình hình
và nhiệm vụ cách mạng. Vì thế, những luận điệu sai trái, phản động mà các thế lực
thù địch suy diễn, quy kết hồ đồ rằng: Đảng phải tiến hành bảo vệ chính trị nội
bộ là do những ''phức tạp không nhỏ" trong nội bộ; do tình trạng "tự
diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ngày càng gia tăng; do
nội bộ mất đoàn kết vì sự "tranh giành ghế và các phe nhóm"; do các
cơ quan tuyên truyền, tuyên giáo của Đảng "tung hỏa mù" để ngụy trang
cho sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng
viên… cần phải được nhận diện đúng là rất quan trọng và cần thiết.
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
cho thấy, công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn liền với sự ra đời, phát triển của
Đảng, chứ không phải chỉ khi có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong
nội bộ, thì Đảng mới tiến hành bảo vệ chính trị nội bộ.
Tuy nhiên, xuất phát từ sự biến
chuyển nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế, khu vực và trong
nước; từ sự gia tăng các hoạt động chống phá của thế lực thù địch vào Đảng Cộng
sản Việt Nam, vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam, vào việc thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam… trong thời
kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được
đẩy mạnh; được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo sâu sát.
Trong điều kiện hiện nay, để
làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đạp tan được âm mưu xuyên tạc của các
thế lực thù địch, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Trước hết, mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính
trị, việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, quy định,
hướng dẫn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Bên cạnh đó, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, công tác bảo vệ chính
trị nội bộ luôn gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đó chính là nền
tảng quan trọng cho việc giữ vững an ninh chính trị của Đảng, Nhà nước. Công
tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được triển khai thường xuyên, liên tục trong cả
hệ thống chính trị; từ Trung ương đến địa phương gắn với văn kiện các kỳ Đại hội
Đảng, Điều lệ Đảng, với các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng; với việc
kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng - đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Ngoài ra, cần thường xuyên nắm bắt, quản lý chặt chẽ tình hình
chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện tốt công tác rà
soát, thẩm định, thẩm tra, xác minh kết luận về tiêu chuẩn chính trị nhân sự; sự
phối hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác cán bộ để
chủ động ngăn ngừa, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, vô hiệu hóa những
luận điệu bịa đặt, vu khống, nói xấu nhằm chia rẽ, hạ uy tín của tổ chức đảng,
đảng viên. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy chế, quy định của
Đảng về bí mật nhà nước trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Tóm lại, công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải được thực hiện theo
quan điểm “kiên quyết, thận trọng, khách quan, toàn diện” kết hợp với phương
châm “tích cực, chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ mình là chính” là nhằm mục đích
xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Do đó, mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng các cấp,
mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò và nhiệm vụ của
công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét