Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

ĐẤU TRANH VỚI VIỆC LỢI DỤNG DÂN CHỦ ĐỂ CHỐNG PHÁ BẦU CỬ

 

Ngày 23-5-2021 vừa qua, cử tri cả nước đã bước vào Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đó là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Là ngày để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của chính mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, trái ngược với khí thế, kỳ vọng, niềm tin, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước ngày hội lớn của toàn dân tộc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại ra sức tìm mọi cách để xuyên tạc, chống phá. Một trong những nội dung chúng tập trung công kích là tính dân chủ trong bầu cử. Chúng cho rằng, cuộc bầu cử của chúng ta chỉ là hình thức; kết quả bầu cử đã được sắp đặt trước, nên nhân dân không nên đi bầu cử cho phí thời gian. Đây là hành động không mới, nhưng chúng ta cũng cần nêu cao cảnh giác, đấu tranh.

Trong đó, quyền bầu cử, ứng cử được coi là quyền quan trọng của công dân được Hiến pháp quy định. Gần đây nhất, Điều 27 của Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND”. Ngoài các quy định về độ tuổi là cần thiết bảo đảm độ chín chắn trong sự lựa chọn của cử tri, pháp luật nước ta không quy định điều kiện nào khác.

Để đấu tranh trước những luận điệu, xuyên tạc về tính dân chủ trong bầu cử, trước tiên, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Trong đó, tập trung tuyên truyền về các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND; Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong bầu cử. Từ đó, động viên cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, gắn với việc nắm bắt tư tưởng chính trị, tâm tư nguyện vọng của mọi cử tri; đề ra các giải pháp kịp thời đối với những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề có thể phát sinh; tuyên truyền bảo đảm tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất. Trước, trong và sau khi cuộc bầu cử diễn ra, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang cần phải nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân, kịp thời đấu tranh với những cá nhân, tổ chức  lợi dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải làm hạt nhân trong cung cấp, định hướng thông tin giúp nhau nhận diện rõ bản chất sai trái, bịa đặt về tính dân chủ trong bầu cử, từ đó,  cảnh giác với các luồng thông tin xấu, độc liên quan đến cuộc bầu cử do các thế lực thù địch, phản động tung ra.

Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có cơ chế thông tin phù hợp, hiệu quả để kịp thời cung cấp các thông tin thường xuyên, liên tục về công tác chuẩn bị và quá trình bầu cử, qua đó giúp nhân dân có điều kiện tiếp cận các thông tin chính thống; hạn chế ảnh hưởng của những thông tin sai trái, xấu độc, đồng thời  chủ động đấu tranh kiên quyết với các luận điệu chống phá, phá hoại bầu cử trên không gian mạng; nhất là việc lợi dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử. Điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nâng cao khả năng “tự đề kháng”, tự bảo vệ chính mình trước các thông tin, xấu độc, xuyên tạc tính dân chủ trong bầu cử. Từ đó, có thái độ, trách nhiệm đấu tranh không khoan nhượng với kẻ xấu cả trước, trong và sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét