Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

ĐẤU TRANH VỚI CÁC THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN NHẰM CHỐNG PHÁ VIỆT NAM

Trong thời gian qua, nhân quyền luôn là mục tiêu các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ, nhân quyền” để can thiệp vào nội bộ ta, làm suy yếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, luận điệu “Việt Nam vi phạm quyền con người” luôn bị lợi dụng, suy diễn, xuyên tạc bởi bất cứ một hiện tượng, vấn đề bức xúc nào xảy ra trong xã hội. Các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, quá trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật, chế độ, chính sách an sinh xã hội... luôn là “miếng mồi” béo bở cho âm mưu, hoạt động xuyên tạc, vu cáo của các đối tượng chống đối. Nguy hiểm hơn, hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet với nhiều loại hình truyền tin nhanh chóng, độ tương tác cao, các thế lực thù địch lợi dụng ưu thế này là một công cụ hữu hiệu để gia tăng các hoạt động đăng tải tin, bài, video clip xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, kêu gọi bảo vệ, đấu tranh đòi “dân chủ, nhân quyền” Việt Nam.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá Việt Nam, công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng với những giải pháp trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam trên tất các lĩnh vực của đời sống xã hội với mục tiêu Việt Nam thúc đẩy quyền con người ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan, trong đó Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương đóng vai trò nòng cốt, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện.

Hai là, tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng nhân dân nhận diện, phòng ngừa luận điệu xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nội dung cần thiết về nhận diện âm mưu, hoạt động xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền ở nước ta bằng nhiều hình thức khác nhau như: thông qua các buổi phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các đợt sinh hoạt chính trị tại khu dân cư… Nội dung tuyên truyền làm rõ âm mưu, mục đích của các thế lực thù địch, đối tượng chống đối lợi dụng vấn đề nhân quyền vu cáo, xuyên tạc việc thực hiện vấn đề quyền con người ở nước ta là nhằm tiến tới lật đổ chế độ, phá hoại thể chế chính trị của ta.

Ba là, tăng cường công tác đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục góp phần đập tan âm mưu chống phá nước ta thông qua việc lợi dụng vấn đề nhân quyền, là nội dung không tách rời của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ. Các cơ quan, ban, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và bằng phương tiện truyền thông (trang thông tin điện tử, mạng xã hội...), song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền về thành tựu nhân quyền đã đạt được, cần tăng cường khai thác các nội dung xuyên tạc các đối tượng chống đối thường lợi dụng về vấn đề nhân quyền để trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng nội dung đấu tranh, phản bác đảm bảo vạch trần, làm sáng tỏ âm mưu hèn hạ của kẻ địch.

Tóm lại, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, quân chúng nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của các thế lực phản động. Quá trình đấu tranh này phải luôn chủ động, tích cực, tránh bị động, bất ngờ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét