Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

VIỆT NAM: ĐIỂM SÁNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Trong những ngày này, khi châu Âu, châu Mỹ và nhiều khu vực khác vẫn “lao đao” vì đại dịch COVID-19 với số người mắc, tử vong không ngừng tăng lên và đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, thì Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế.

Trở lại thời điểm cuối năm 2019, khi dịch COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã lên phương án phòng chống ngay khi chưa có ca bệnh nào. Sau khi có các ca bệnh đầu tiên (ngày 23/1/2020), Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đã được thành lập, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu. Với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", Ban chỉ đạo đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng, dập dịch.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế được thực hiện ở nhiều cấp độ: cách ly toàn xã hội (tháng 4/2020); cách ly toàn thành phố (Đà Nẵng, tháng 7/2020); cách ly phường, xã (Trúc Bạch, Hạ Lôi (Hà Nội), Sơn Lôi (Vĩnh Phúc)... Cuối tháng 3/2020, dừng nhập cảnh với người nước ngoài; đầu tháng 4, dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước. Và trong suốt một năm qua, lực lượng biên phòng đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức hơn 1.600 tổ với khoảng 10.000 người, chốt chặn đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt tuyến biên giới, xử lý trên 20.000 người nhập cảnh trái phép...

Đồng thời, công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của người dân cả nước. Hầu hết người dân đều tự giác tuân thủ, thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng bệnh của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế. Đặc biệt, để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, người dân dần quen với việc thực hành thông điệp 5K: khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khoảng cách, khai báo y tế; bên cạnh đó, cài đặt các ứng dụng phát hiện, cảnh báo nếu có tiếp xúc với các nguồn lây. Kết quả cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, cho thấy, có đến 97% người dân được hỏi đều thể hiện sự tin tưởng đối với các biện pháp của Đảng, Nhà nước trong phòng chống COVID-19.

Nhờ những quyết sách hiệu quả, kịp thời, từ đầu năm đến nay Việt Nam mới xuất hiện hơn 1.400 ca bệnh, phần lớn là nhập cảnh. Đa phần các ca bệnh COVID-19 ở Việt Nam đều được điều trị khỏi bệnh, trong đó có những ca “siêu khó”, các bác sỹ đã phải nỗ lực làm mọi cách để giành lại sự sống cho họ từ tay tử thần, như trường hợp bệnh nhân 19, 91... Số ca tử vong chiếm tỷ lệ rất nhỏ (35 ca), hầu hết là những người có bệnh nền nghiêm trọng.

Bên cạnh những dấu ấn trong công tác phòng bệnh và điều trị, Việt Nam cũng nằm trong nhóm những quốc gia đầu tiên tự phát triển vaccine COVID-19 - Nanocovax, vừa được đưa vào thử nghiệm trên người vào tháng 12/2020, dự kiến sẽ chính thức đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021.

Việt Nam cũng là nơi trở về an toàn cho công dân và doanh nghiệp giữa bối cảnh hầu hết cường quốc trên thế giới lâm vào khủng hoảng y tế. Nhiều chuyến bay “giải cứu” người Việt ở nước ngoài được thực hiện, thể hiện truyền thống nhân đạo cao đẹp, “không ai bị bỏ lại phía sau” của dân tộc Việt Nam. Tính đến hết tháng 12/2020, đã có hơn 200 chuyến bay đưa hơn 44 nghìn công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Các chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, doanh nhân... nước ngoài cũng được tạo điều kiện nhập cảnh để đầu tư, kinh doanh.

Thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 thể hiện quyết tâm cao, sự chủ động, khẩn trương và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chấp hành nghiêm chỉnh của người dân. Để duy trì thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe người dân, chính phủ đã yêu cầu tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh. Giờ đây, người dân đã hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra song vẫn đảm bảo các biện pháp chống dịch.

Qua đó, cho thấy một Việt Nam không chỉ kiên cường trong chiến tranh mà kiên cường trong chống dịch, đảm bảo cuộc sống an yên cho người dân; kiên cường tạo ra nền tảng vững chắc cho hành trình “thịnh vượng và phát triển”. (MP)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét