Sau khi điên cuồng chống
phá Đại hội XIII của Đảng nhưng không thành công, thời gian qua chúng quay sang
tuyên truyền phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp
nhiệm kỳ 2021-2026.
Trên internet, mạng xã
hội, nhiều tổ chức phản động như: Việt Tân, Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm
thời, Triều Đại Việt, rồi những hội nhóm, fanpage do các thành phần cơ hội, bất
mãn ở trong và ngoài nước lập ra, liên tục phát tán thông tin sai trái. Theo
thống kê, chỉ riêng Việt Tân đã duy trì tới 1.000 tài khoản mạng xã hội để đăng
tải, chia sẻ thông tin phá hoại bầu cử. Bên cạnh đó, một số tờ báo nước ngoài
thiếu thiện chí với Việt Nam cũng có những bài viết, thông tin sai lệch, suy
diễn vô căn cứ về quá trình chuẩn bị tổ chức bầu cử, gây nhiễu loạn thông tin,
ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội.
Các thế lực thù địch,
phản động, cơ hội chính trị ra sức tuyên truyền phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng đối với Quốc hội và bản chất tốt đẹp của chế độ ta; xuyên tạc mục đích, ý
nghĩa của cuộc bầu cử. Chúng quy kết bầu cử “chỉ là hình thức bởi nhân sự đã
được Đảng chọn”, “là trò hề che đậy hợp pháp sự lựa chọn ứng cử viên trước của
Đảng”, “Đảng độc diễn, người dân không có vai trò gì”, “chỉ tốn tiền của dân”.
Từ đó, chúng vu cáo “Đảng áp đặt tùy tiện, vi phạm Hiến pháp”, “Việt Nam không
có dân chủ”; kích động gây chia rẽ đại đoàn kết dân tộc; lôi kéo người dân biểu
tình gây rối, tẩy chay bầu cử hoặc nếu đi bầu thì gạch bỏ tất cả các ứng cử
viên theo kiểu “không biết không bầu”.
Chúng còn cho rằng Quốc
hội Việt Nam không thể hiện được vai trò cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan
đại diện cao nhất, cơ quan giám sát tối cao; các đại biểu Quốc hội và HĐND
không hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó. Ngược lại, chúng ca ngợi mô hình
dân chủ và cơ chế bầu cử ở các nước tư bản phương Tây, rồi hô hào, kêu gọi Việt
Nam “mở rộng dân chủ trong bầu cử”, “cho phép ứng cử, vận động tranh cử tự do”
để cử tri lựa chọn.
Nhiều kẻ đội lốt “nhà
hoạt động vì dân chủ, nhân quyền”, “trí thức yêu nước”, viết và phát tán “thư
ngỏ”, “thư kiến nghị”, “góp ý kiến tâm huyết” cho Đảng, Nhà nước nhưng thực
chất là đưa ra những yêu sách hết sức phi lý, như đòi thay đổi chế độ bầu cử
hiện hành, đòi xóa bỏ cơ chế “Đảng cử dân bầu”, xóa bỏ hiệp thương giới thiệu
người ứng cử; cổ xúy cho chủ nghĩa dân chủ tự do vô chính phủ; tung hô, tập hợp
chữ ký ảo trên mạng ủng hộ các đối tượng lợi dụng quyền tự ứng cử để phá rối.
Những luận điệu tuyên
truyền xuyên tạc nói trên tuy không mới nhưng rất nguy hiểm. Bởi nó núp bóng
dưới vỏ bọc mỹ miều “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, lại được tung ra vào thời
điểm cuộc bầu cử đang đến gần, dễ thu hút sự quan tâm của người dân. Hơn nữa,
trong điều kiện truyền thông internet và mạng xã hội phát triển, các thông tin
xấu độc phát tán rất nhanh, lặp đi lặp lại với chủ đích “nghe mãi thành quen”,
gây hoang mang, dao động trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Không
ít người vì thiếu hiểu biết hoặc nhẹ dạ cả tin mà lầm tưởng, tin theo, hùa
theo.
Trước những luận điệu
tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị,
chúng ta cần khẳng định mấy vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, cũng như những lần bầu cử trước, cuộc bầu cử
lần này là ngày hội dân chủ của toàn dân. Cử tri thông qua bầu cử sẽ lựa chọn
ra những đại biểu có đủ tiêu chuẩn, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình
ở Quốc hội và HĐND các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân
dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bởi vậy hoàn toàn không có chuyện “người dân
không có vai trò gì”.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo Quốc hội đã được hiến định
trong Hiến pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội qua các nhiệm kỳ luôn xứng
đáng là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện và giám sát tối
cao. Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới hoạt động theo hướng ngày càng hiệu lực, hiệu
quả. Những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực là minh chứng cho vai trò,
chức năng của Quốc hội trong hệ thống chính trị ở nước ta. Cho nên nói “Quốc
hội không thể hiện được vai trò” là xuyên tạc trắng trợn.
Thứ ba, bầu cử, ứng cử vào các cơ quan Nhà nước là
quyền và nghĩa vụ của công dân cũng đã được hiến định trong Hiến pháp. Luật Bầu
cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định rất cụ thể về công tác bầu cử.
Điều này cho thấy, hệ thống pháp luật về bầu cử ở Việt Nam được xây dựng nhất
quán, đảm bảo ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của
nhân dân, phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội. Mọi hành vi lợi dụng tự do, dân
chủ để kích động, xúi giục người dân tẩy chay bầu cử là vi phạm pháp luật, xâm
phạm nghiêm trọng quyền công dân.
Thứ tư, hiện nay các cơ quan chức năng và địa phương
trong cả nước đang tích cực chuẩn bị để bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra dân
chủ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Việc lựa chọn, hiệp thương giới
thiệu người ra ứng cử theo quy trình chặt chẽ, dân chủ, có sự giám sát của nhân
dân. Cử tri cả nước rất phấn khởi, mong chờ đến ngày cầm lá phiếu đi thực hiện
quyền làm chủ của mình. Vì vậy, không một luận điệu nào có thể phủ nhận hay
xuyên tạc được ý nghĩa tốt đẹp của cuộc bầu cử sắp tới.
T.B
0 nhận xét:
Đăng nhận xét