Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về “đoàn kết”



Hồ Chí Minh đã không chỉ vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin để thành lập một Đảng Mácxít ở Việt Nam mà còn luôn chăm lo xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, để Đảng ta thực sự là đội tiền phong, bộ tham mưu vững mạnh, người lãnh đạo - người đầy tớ trung thành của nhân dân. Ngay từ thập niên 1930, trước nguy cơ phân liệt về tư tưởng và tổ chức của những người cộng sản Việt Nam đang đe dọa bước tiến của phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng, vấn đề sống còn đối với đất nước, đối với dân tộc lúc này là “phải hành động, hành động mau lẹ và kiên quyết, không được phép chậm trễ hơn nữa, thiếu một Đảng cách mạng thống nhất lãnh đạo phong trào công nhân, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta sẽ như con tàu không có người cầm lái”. Trên tinh thần “bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”, Người đã sáng suốt, kịp thời, hành động kiên quyết triệu tập và tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930. Suốt tiến trình xây dựng và phát triển, để đảm bảo vai trò lãnh đạo và xứng đáng là đội tiền phong, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng cách mạng; là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của sự nghiệp cách mạng, là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng Cộng sản là một bộ phận trong hệ thống chính trị nhưng là lực lượng lãnh đạo, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân, cho nên “sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”. Trên tinh thần tuyệt đối không thỏa hiệp với những xu hướng bè phái, coi sự chia rẽ là tội ác lớn nhất đối với Đảng, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Đoàn kết là là một truyền thống quý báu và “đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”. Cơ sở để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng - “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”, để không có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” chính là đường lối, quan điểm và Điều lệ của Đảng; là thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về xây dựng Đảng; là phát huy vai trò gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác cũng như cuộc sống đời thường của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, yêu cầu trước hết là phải tôn trọng và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực tế, Đảng có sức mạnh khi mọi tổ chức Đảng và đảng viên tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Mọi sự rạn nứt, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng đều bắt nguồn từ sự buông lỏng nguyên tắc tập trung dân chủ và không chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, không thường xuyên tự phê bình và phê bình. Vì vậy, muốn đoàn kết và thống nhất thật sự trong tư tưởng và hành động, nhất định phải phát huy dân chủ và mở rộng dân chủ. Tuy nhiên, dân chủ không thể tách rời tập trung nghiêm túc mà phải gắn chế độ lãnh đạo tập thể với cá nhân phụ trách; đồng thời, chống tập trung quan liêu, dân chủ quá trớn, chống những tư tưởng và hành động cơ hội chủ nghĩa vô nguyên tắc. Bên cạnh đó, phải chống tình trạng dân chủ hình thức, thống nhất một chiều, thiếu sự tranh luận, thảo luận thấu đáo hoặc hiểu không đúng nguyên tắc này, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ và chống dân chủ giả hiệu “miệng nói dân chủ nhưng thực chất là quan chủ”...
Coi trọng đoàn kết, thống nhất trong Đảng - hạt nhân cốt lõi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - cội nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trước khi đi xa về cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh đã trăn trở, chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần bản Di chúc viết tay của mình cho phù hợp với sự phát triển của đất nước và sự chuyển biến của tình hình thế giới; trong đó, Người nêu rõ tầm quan trọng, trách nhiệm, phương thức để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Cụ thể, Người căn dặn trong Di chúc : “Trước hết nói về Đảng - nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta”. Đoàn kết trong Đảng ở đây theo Người: 1) Xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng và hành động, đoàn kết đã trở thành một “truyền thống quý báu của Đảng và của dân ta”. 2) Đó là cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế - là một cội nguồn làm nên sức mạnh của Đảng. Vì thế, “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. 3) Đoàn kết phải được bảo vệ, gìn giữ và không ngừng củng cố, phát triển trong Đảng. 
Trong gần 90 năm qua, thấm nhuần những chỉ dẫn của Người về đoàn kết thống nhất: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” và “không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Trong mỗi bước chuyển của cách mạng, căn cứ vào tình hình trong nước và quốc tế, với chủ trương, đường lối đúng đắn và lãnh đạo thống nhất, với sức mạnh của khối đoàn kết thống nhất trong tư tưởng và trong hành động từ Trung ương xuống cơ sở, Đảng đã lãnh đạo khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ thực tiễn lịch sử xây dựng và trưởng thành của Đảng, có thể thấy, đoàn kết trong Đảng - cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân không phải chỉ là nhiệm vụ chiến lược của Đảng mà còn là đòi hỏi khách quan của toàn thể dân tộc trong cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét