Kẻ thù giai cấp
Nền tảng tư tưởng của
chúng ta là hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, như vậy những người theo hệ tư
tưởng tư sản sẽ chống đối là điều tất yếu. Đây là cuộc đấu tranh giai cấp trên
lĩnh vực tư tưởng, mang tính chiến lược lâu dài. Việc giai cấp tư sản huy động
các nhà tư tưởng, lý luận để đưa những quan điểm sai trái, thù địch là không
cần phải bàn cãi. Vì vậy, chúng ta không hoang mang và nôn nóng trong cuộc đấu
tranh này. Mặt khác, đây là cuộc đấu tranh giai cấp trong lĩnh vực tư tưởng
trên phạm vi toàn cầu nên giai cấp tư sản đã có chiến lược, có bộ máy, con
người, lộ trình, thủ đoạn, kinh phí, phương tiện dồi dào, hiện đại để chống
phá. Vì vậy, chúng ta phải nâng tầm cuộc đấu tranh này lên tầm chiến lược, phải
đấu tranh ở tầm trí tuệ, tầm lý luận, học thuyết. Một mặt, chúng ta không dao
động, không nhân nhượng, luôn kiên định mục tiêu nhưng mặt khác cũng cần “tương
kế, tựu kế” giống như chủ nghĩa tư bản đã rất cám ơn bộ tư bản của Mác vì đã chỉ
ra khuyết tật của chính họ, nhờ đó họ đã điều chỉnh và tạo ra sức sống cho chủ
nghĩa tư bản hiện đại ngày nay.
Kẻ thù cách mạng
Chiến thắng của cách mạng
đồng thời cũng tạo ra những kẻ thù của cách mạng. Họ là những kẻ đã thất bại
trong các cuộc kháng chiến. Sự thất bại luôn đi cùng với mất mát, thiệt hại về
sinh mạng, quyền lực chính trị, tinh thần và của cải nên họ rất khó xóa bỏ được
tư tưởng thù hận, tham vọng khôi phục những quyền lợi đã mất. Vì vậy, lực lượng
này đương nhiên sẽ rất hậm hực khi chứng kiến những thành tựu của công cuộc đổi
mới và rất hả hê khi chúng ta gặp khó khăn, thất bại. Mặc dù kẻ thù giai cấp
luôn tận dụng, cấu kết với kẻ thù cách mạng để chống phá, nhưng nhìn chung, các
quan điểm sai trái, thù địch của lực lượng này thường không sâu sắc, bài bản,
hệ thống như kẻ thù giai cấp. Quan điểm chống phá của họ thường nặng về cảm
xúc, dễ thay đổi và tính thuyết phục không cao. Lớp người thù hận cũng sẽ dần
dần ít đi vì tuổi tác. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ là người Việt nên nắm
được tâm lý, tâm linh, văn hóa của người Việt Nam. Các quan điểm sai trái, thù
địch của họ dễ thông qua con đường tình cảm gia đình, dòng họ để thẩm thấu vào
Việt Nam. Nếu chúng ta biết được nguồn gốc, lịch sử của họ, chúng ta sẽ chỉ cho
cán bộ, đảng viên, quần chúng biết họ là ai và lý do vì sao họ lại có quan điểm
như vậy, đồng thời chúng ta có thể cảm hóa, lôi kéo họ trở về với dân tộc, đóng
góp cho đất nước.
Những kẻ phản bội cách
mạng
Đây là những cán bộ, đảng
viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hoặc là
những quần chúng được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài nhưng bị lôi kéo,
mua chuộc quay lưng lại chống Đảng, chống chế độ. Điều nguy hiểm ở lực lượng
này là đa số họ nắm chắc về lý luận chính trị, thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Một bộ phận trong số họ đã từng giữ cương vị trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của
đất nước nên nắm được những sai lầm, khuyết điểm của chúng ta. Quan điểm của họ
thường được ngụy trang, núp bóng dưới những kiến nghị, đề xuất, sáng kiến canh
tân, cải tổ đất nước, vì vậy dễ được quần chúng tin tưởng. Đây là lực lượng
nguy hiểm nhất, chúng ta cần nghiên cứu sâu về năng lực, sở trường của từng
phần tử chống đối. Phải có lực lượng theo dõi thường xuyên, kịp thời đấu tranh
bằng những luận chứng, luận cứ thuyết phục, sắc bén cùng với các biện pháp công
nghệ, kỹ thuật để phong tỏa thông tin, gắn với làm rõ thân nhân, biểu hiện suy
thoái, cơ hội để cán bộ, đảng viên sớm biết rõ bộ mặt thật của họ.
Những kẻ a dua, hoang
tưởng về chính trị
Đây là những người bất mãn
trong cuộc sống, những người nhẹ dạ cả tin, suy thoái về đạo đức, lối sống,
công thần, ngạo mạn, chỉ coi mình là trên hết, coi thường lãnh tụ, coi thường
tổ chức, theo thuyết âm mưu. Họ là những người vô tình, hay cố ý tán phát quan
điểm sai trái, thù địch hoặc tung tin sai sự thật, suy luận vô căn cứ. Những
quan điểm này tuy không có sức công phá mạnh nhưng có thể làm rối loạn xã hội,
mất ổn định về tư tưởng chính trị. Những quan điểm của họ thường không chặt
chẽ, nhiều sơ hở, cộng với những hạn chế về đạo đức, lối sống nên chúng ta có
thể sử dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để cảm hóa, thuyết phục kết
hợp các biện pháp quản lý hành chính, kỷ luật và công tác kiểm tra, giám sát.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh
giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, không
thể bằng một vài chiến dịch, cuộc vận động mà có thể thành công. Để giành thắng
lợi, đòi hỏi trước tiên là phải có nhận thức đúng mục tiêu, đối tượng, từ đó
xác định đúng nội dung, phương thức đấu tranh phù hợp. Điều quan trọng nhất là
phải có quyết tâm chính trị và niềm tin vào chiến thắng, không nôn nóng nhưng
cũng không chủ quan, tuyệt đối không để xảy ra “bệnh thành tích” và “bệnh hình thức”
trong quá trình thực hiện.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét