Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

LÁ PHIẾU NHẸ, TRỌNG TRÁCH NẶNG Đ.Q.Psy11

           Bầu cử trong Đại hội Đảng là để lựa chọn những cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực tham gia vào cấp ủy khóa mới, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Ban chấp hành tổ chức Đảng các cấp hiện nay. Vì vậy, mỗi đảng viên cần đề cao trách nhiệm của mình trong công tác lựa chọn nhân sự, phải thực sự nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công tâm trong việc bầu cử tại đại hội.

Lá phiếu khi bầu cử là trách nhiệm cao cả của đảng viên, nhưng không có nghĩa với lá phiếu trên tay, cùng những quyền được quy định, đảng viên muốn làm thế nào cũng được. Cho nên, mỗi đảng viên đi dự đại hội, cần nhận thức sâu sắc rằng: Lá phiếu tuy nhẹ, nhưng ở đó gánh một trọng trách rất nặng nề khi quyết định bầu cho ai.

Thực tiễn ở một số nơi cho thấy có cán bộ, đảng viên thực sự nghiêm túc, trách nhiệm với công việc tập thể nhưng lại bị nhiều người cho rằng là “khó tính” và nhận được sự ủng hộ ít hơn trong bầu cử cấp ủy. Mặc dù nhận thức được những cán bộ, đảng viên nghiêm túc đó rất có lợi cho tập thể nhưng vẫn có đảng viên đã cố tình không ủng hộ là lại lựa chọn những người được cho là “dễ dãi” để bầu vào cấp ủy!. Hậu quả của cách suy nghĩ này rất tai hại vì nó khiến những người thẳng thắn, trung thực, có tinh thần xây dựng tập thể dễ bị số phiếu bầu cử thấp, không trúng vào Ban chấp hành khóa mới, khiến tinh thần phê bình và tự phê bình, tính xây dựng và tính chiến đấu trong tổ chức đảng bị suy giảm. Hẳn ai cũng biết thành ngữ “Thuốc đắng dã tật” và “Mật ngọt chết ruồi”. Đánh giá con người nói chung, một cán bộ, đảng viên nói riêng phải toàn diện, song trước tiên cần phải xem việc làm và cách ứng xử của họ là vì cá nhân hay vì tập thể; họ “dễ dãi” hay “khó tính” nhằm mục đích gì? Tất nhiên, nếu lựa chọn được cán bộ, đảng viên có lối sống và quan điểm làm việc nghiêm túc, thực sự vì việc chung, lại có phương pháp giải quyết công việc hài hòa, hợp lý, hợp tình và đạt hiệu quả cao để bầu vào Ban chấp hành khóa mới thì tốt nhất. Nhưng chúng ta cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với những cán bộ, đảng viên cố tình “dễ tính” chỉ nhằm “lấy phiếu”, không vì tập thể mà vì lợi ích cá nhân, bởi những thành phần này giống như những “con lươn, con chạch tìm cách để chui sâu, leo cao” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần cảnh báo.

Ở một số cơ quan, đơn vị hiện tượng đảng viên còn ưu tiên bầu người quý mình, người gần gũi thân quen với mình vào Ban chấp hành khóa mới vẫn xảy ra, dẫn đến sự thiên vị, thiếu khách quan trong bầu cử. Như vậy, không chỉ năng lực lãnh đạo của cấp ủy khóa mới sẽ bị ảnh hưởng mà còn dẫn đến xu hướng “thân tình”, lợi ích nhóm ngày càng tăng; những cán bộ thực sự có phẩm chất, năng lực tốt nhưng ít mối quan hệ, ít người thân quen sẽ bị thiệt thòi, khó phát triển - một nguyên nhân gây chán nản, thậm chí bất mãn, mất đoàn kết nội bộ. Cho nên, mỗi đảng viên cần phải thực sự công tâm, không để tình cảm lấn át lý trí trong bầu cấp ủy. Cân nhắc kỹ để lựa chọn đúng những người thật xứng đáng. Lá phiếu tuy nhẹ nhưng trọng trách lớn trong đó.

Thực trạng đáng lo ngại nhất trong một số tổ chức đảng là hiện tượng “lợi ích nhóm” trong việc bầu cấp ủy dẫn đến sự thiếu khách quan, đồng thời là nguyên nhân chính gây mất đoàn kết. Một số biểu hiện của kiểu lợi ích này như: Thỏa thuận ngầm, kiểu “ông vận động mọi người bầu tôi, tôi cũng vận động mọi người bầu ông để… cùng có lợi”. Hệ lụy là những ứng cử viên thực sự trong sáng, không vận động gì, thậm chí còn bị cố tình nói xấu thì dễ trượt, còn “con lươn, con chạch” thì lại trúng cử. Biểu hiện nữa là sợ người khác hơn mình nên cố tình “dìm hàng”, tung tin xấu, dù biết rõ người đó rất tốt, rất xứng đáng được bầu. Lý do đơn giản là nếu người đó được bầu vào cấp ủy thì mình hoặc “người của mình” sẽ không cạnh tranh nổi, không có cơ hội để vào ghế nọ ghế kia. “Bài toán lợi ích” này dẫn đến việc bầu cử thiếu khách quan và đây là tính rất xấu cần phải đấu tranh loại bỏ. Những biểu hiện trên đặt ra cho cán bộ, đảng viên dự đại hội cần tỉnh táo và thực sự nghiêm túc, công tâm, cần thực sự nêu cao trách nhiệm trước Đảng, mỗi đảng viên dự đại hội cần:

Quán triệt đầy đủ tiêu chuẩn chung cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị; đồng thời, bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu trong Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định 842-QĐ/QU ngày 06/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thật sự trung thực, công tâm, khách quan, đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Lựa chọn nhân sự phải vì nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Cần hết sức tránh các biểu hiện của tình trạng “bầu người dễ dãi”, “chọn người thân quen” và “lợi ích nhóm”, phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, công tâm, khách quan, tuyệt đối không để tình cảm lấn át lý trí trong bầu cử; hết sự thận trọng khi cầm là phiếu trên tay làm sao lựa chọn đúng những người thật tiêu biểu, xứng đáng vào cấp ủy khóa mới.

Mỗi đảng viên cần đề cao tính tự giác, phát huy quyền và trách nhiệm của mình trong lựa chọn nhân sự cho đại hội; đề cao trách nhiệm trong việc bầu ra các đại biểu có đủ tâm, tầm, tài để đại diện cho mình tham dự đại hội cấp trên, bầu nhân sự cho khóa mới những người thực sự xứng đáng.

Lựa chọn cán bộ xứng đáng bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ mới là công việc hệ trọng của mỗi cán bộ, đảng viên dự đại hội; có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi đơn vị cho nên, mỗi đại biểu dự đại hội phải thật sự bản lĩnh, có trách nhiệm cao, toàn tâm, toàn ý, phải đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội.

                                                               

                                                                         

0 nhận xét:

Đăng nhận xét