Trong thời gian gần đây xuất hiện
nhiều quan điểm phản động đòi xem xét lại nội dung cốt lõi nền tảng tư tưởng của
Đảng. Có ý kiến thì tỏ ra nhẹ nhàng “hiến kế”, “tâm thư”, “góp ý” rằng Chủ
nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, nên thay bằng những thứ mà họ gọi là “chủ thuyết
phát triển mới”, rằng nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không có gì mới,
vẫn là “bổn cũ soạn lại”, “sao chép theo lối mòn”, thiếu tầm tư duy chiến lược,
không biết tiếp thu những tinh hoa của nhân loại. Có người thì công khai phủ định,
phản bác Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Có thể thấy rằng, những
quan điểm mang tư tưởng xét lại, chống phá nói trên nếu không được phản bác,
ngăn chặn sẽ gây hoang mang trong nhân dân, làm suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo
của Đảng, vào CNXH và con đường đi lên CNXH. Từ đó sẽ dẫn đến hệ lụy quần chúng
nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.
Ở Việt Nam, trong quá trình đấu
tranh cách mạng lâu dài, phức tạp, ở những bước ngoặt, chúng ta cũng thấy xuất
hiện tư tưởng cơ hội, xét lại dưới nhiều màu sắc “hữu khuynh”, “tả khuynh”. Dù
chỉ tồn tại với tính cách là quan điểm, tư tưởng chứ chưa định hình rõ như “chủ
nghĩa”; biểu hiện ở lời nói, trang viết và hành động nhỏ lẻ của một số người, một
nhóm người nhưng tư tưởng xét lại cũng gây nhiều khó khăn cho cách mạng. Nhất
là vào thời điểm Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản suy
thoái, đất nước thì lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, một số người
bắt đầu dao động, ngả nghiêng, do dự, mơ hồ, hoài nghi vào con đường đi lên
CNXH. Thậm chí có người cho rằng lý luận về CNXH đã sụp đổ, cần phải thực hiện
đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xây dựng chế độ xã hội theo mô hình
phương Tây, phi chính trị hóa quân đội...
Đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, trong đó có tư tưởng xét lại, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã
trở thành vấn đề cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng,
chỉnh đốn Ðảng. Trước hết, phải thấy rằng theo đà phát triển không ngừng của thực
tiễn và khoa học, bất cứ học thuyết nào tự bản thân nó cũng không phải là một hệ
thống lý luận giáo điều, và chính Mác cũng đã từng đưa ra câu cách ngôn “Mỗi bước
tiến của phong trào thực tiễn còn quan trọng hơn hàng tá cương lĩnh”. Học thuyết
Mác-Lênin mặc dù rất khoa học và đúng đắn cũng không thể giải đáp đầy đủ, chi
tiết, cặn kẽ mọi vấn đề, ở mọi thời đại, của mọi quốc gia.
Bên cạnh yêu cầu giữ vững nguyên
tắc, đấu tranh với chủ nghĩa xét lại còn đòi hỏi phải nắm vững và xử lý khéo
léo mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới. Bởi nếu chỉ kiên định một cách máy
móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ. Nhưng nếu không kiên định mà
đổi mới một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch
hướng, “đổi màu”. Thêm vào đó, đấu tranh với chủ nghĩa xét lại lại diễn ra ngay
trong nội bộ những người cộng sản nên nó đòi hỏi sự kiên trì, khả năng thuyết
phục, chứ không thể cực đoan, vội vã phân chiến tuyến, áp đặt phải đứng về bên
này hay bên kia. Và cũng chính thực tế sinh động của sự nghiệp đổi mới là bằng
chứng thuyết phục nhất về sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin
của Đảng ta mà không sa vào tư tưởng xét lại, chệch hướng, “đổi màu”. Chúng ta
luôn quán triệt và thực hiện tốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách
và pháp luật Nhà nước về kiên định con đường đi lên CNXH, về đường lối đổi mới,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đất
nước ta đã khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, như lờiTổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng:
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như
ngày nay”. “Đổi mới” đã song hành với “Việt Nam” đến khắp nơi trên thế giới, đã
vang lên trên các diễn đàn quốc tế lớn như là một hiện tượng đặc biệt, một kỳ
tích trong thế giới hiện đại. Thành công của đổi mới đã khẳng định sự đúng đắn
con đường đi mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cho đất nước, dân tộc. Đó cũng góp
phần đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét